Kiểm định hơn 8000 thang máy, thang cuốn mỗi năm

“Cả nước có gần 50 tổ chức được chỉ định kiểm định các thiết bị thang máy, danh sách các tổ chức này được được đăng tải công khai trên website của Cục An toàn lao động http://antoanlaodong.gov.vn/” – ông Vũ Tiến Thành, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đặc thù an toàn lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết.

Theo tin trên Vietnamplus, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu sử dụng thang máy, thang cuốn trong các trung tâm thương mại, khu chung cư, siêu thị, hộ gia đình ngày một gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị này cũng đang khiến nhiều người quan tâm khi số lượng những vụ tai nạn thang máy đang tăng dần.

Theo ông Vũ Tiến Thành, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đặc thù an toàn lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng thang máy, thang cuốn có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn cho thiết bị.

Hiện nay, việc kiểm định thang máy, thang cuốn phải do các tổ chức kiểm định độc lập đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP và Thông tư số 06/2014/TT-BLĐTBXH thực hiện. Cả nước có gần 50 tổ chức được chỉ định kiểm định các thiết bị thang máy, danh sách các tổ chức này được được đăng tải công khai trên website của Cục An toàn lao động http://antoanlaodong.gov.vn/.

Các tổ chức này có trách nhiệm với kết quả kiểm định, tái kiểm định theo đúng quy trình, thiết bị sau khi được dán tem kiểm định phải đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Khi xảy ra sự cố, các cơ quan thanh tra sẽ căn cứ vào các hồ sơ liên quan, trong đó có các giấy tờ chứng nhận thiết bị đã được kiểm định, tái kiểm định để xem xét, đánh giá nguyên nhân. Nguyên nhân có thể do thiết bị không được kiểm định định kỳ hoặc do lỗi sử dụng. Những thiết bị được kiểm định nhưng khi sử dụng hoạt động không đúng quy trình an toàn, không được bảo dưỡng, bảo trì định kỳ cũng có thể là nguyên nhân xảy ra sự cố.

Hiện nay, các tổ chức được cấp giấy chứng nhận kiểm định các thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hàng năm đều phải báo cáo về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Cục An toàn lao động về tình hình kiểm định, tái kiểm định các thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Theo số liệu thống kê gần đây, có khoảng 8.000 thang máy, thang cuốn được kiểm định mới và kiểm định định kỳ mỗi năm.
Các quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thang máy và thang cuốn được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BLĐTBXH.

Tuy nhiên, công tác kiểm định hiện nay cũng đang gặp phải một số khó khăn về cơ sở vật chất trong thực hiện vấn đề thử nghiệm độ an toàn, vì vậy Cục An toan lao động đang đề xuất từng bước khắc phục hạn chế của vấn đề thử nghiệm. Ông Thành cho biết, trong thực tế, việc sử dụng thang máy, thang cuốn ngày càng phổ biến và vấn đề tai nạn liên quan đến thang máy, thang cuốn xảy ra ngày càng nhiều.

Các tai nạn liên quan đến thang máy, thang cuốn xảy ra bởi một số nguyên nhân chính như: Không thực hiện đúng việc kiểm định, bảo trì để kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng của các bộ phận, thiết bị an toàn của thiết bị; Việc cung ứng, chế tạo, nhập khẩu, lắp đặt và bảo trì chưa tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; một số đơn vị sản xuất, nhập khẩu không thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm; Công nhân khi lắp đặt, bảo trì không thực hiện đúng các quy định, quy trình về an toàn lao động; người vận hành chưa được huấn luyện về vận hành an toàn, ứng cứu sự cố..

Đối với thang máy cũ dễ xảy ra sự cố, hiện nay theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy định về thời hạn sử dụng của thang máy. Tuy nhiên, đối với các thang máy cũ phải thực hiện việc cải tạo, bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định định kỳ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Hiện nay, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thang máy và thang cuốn đang áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) mới nhất. Các TCVN đối với thang máy, thang cuốn về cơ bản áp dụng và cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế ISO. Trong trường hợp có thay đổi tại các tiêu chuẩn về chế tạo, đảm bảo an toàn vận hành, sử dụng thang máy, thang cuốn thì các quy định mới sẽ được cập nhật vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật.

“Theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP các hành vi vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, hành vi không tuân thủ quy định về kiểm định, tái kiểm định sẽ bị phạt từ 2-3 lần phí kiểm định và các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với nhưng tổ chức cá nhân, vi phạm các quy định về an toàn lao động gây gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP cũng quy định việc xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vi phạm các quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm hàng hóa nhóm 2 bao gồm cả thang máy, thang cuốn trước khi đưa ra thị trường” – Ông Thành cho hay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo
Gọi điện ngay